top of page

Vài dòng cảm nhận về Lamy 2000 và Sailor Kaba-Zaiku

Tham gia cũng đã lâu lâu trên diễn đàn, nhưng khổ nỗi Em văn thì không hay nên chẳng dám “múa rìu qua mắt thợ”. Dạo trước “cưới” được em Lamy 2000, Bác “TRUC DAO” có khuyến khích viết một bài cảm nhận về em nó, nhưng tới nay vẫn chưa có được cảm xúc để viết về nó, mặc dù mình rất thích em Lamy 2000 và hàng ngày hay sử dụng em nó nhất. Hôm nay mới “chiêu mộ” thêm một “anh tài” nho nhỏ - Chàng thủy thủ đến từ đất nước “Mặt trời mọc” mang tên “Sailor Kabazaiku”. Tự nhiên thấy người phấn khởi, muốn viết một điều gì đó về “Sailor Kabazaiku” và một vài cảm nhận về “Lamy 2000”.

Thật sự ra, em nghĩ mình may mắn, hay là có duyên (cái này ngồi nghĩ thấy tự sướng thôi ạ) về cái khoản bút mực hay sao đó? Thích em Lamy 2000 lâu lắm rồi, đã từng hỏi Bác “Saubeo” để mua, nhưng rồi lại lỡ dịp không mua được, phải đến tháng 8 năm nay lại gặp duyên với một bạn ngoài Hà Nội mới rước được em nó về nhà, Cầm cây bút mà mình mong ước cả năm trời cảm giác lâng lâng khó tả, từ lúc ra nhận em nó tại PCN TT về đến nhà mà cứ nôn nóng và háo hức, muốn dừng xe lại để cầm nó, vuốt ve nó cho thỏa lòng mong đợi, một cảm giác tuyệt vời các Bác ạ, Cái màu đen mờ và xước tạo nên vẻ bề ngoài mạnh mẽ, cảm giác trơn lạnh khi cầm của lớp vỏ ngoài thật khó tả, chỉ khi nào các Bác cầm nó trên tay thì mới thấy hết cái chất của nó – “điều mà mình vẫn thường gọi là chất thép của người Đức”. Trước khi rước em Lamy 2000 về, Em có tham khảo một số trang web cũng như Bác TRUC DAO, thật sự em rất thắc mắc là cái viền màu trắng gần ngòi bút của cây Lamy 2000 khi mà bơm mực và sử dụng lâu ngày nó bị ố màu hay dích mực vào làm mất thẩm mỹ thì sao? Thắc mắc lắm, suy nghĩ lắm, không hiểu sao mà ông Gerd Muller lại thiết kế cái chỗ đó màu trắng???

Và xin thưa với các bạn, mình đã suy nghĩ và lo xa quá, với chất liệu đặc biệt (vỏ Lamy 2000 được làm bằng kim loại kết hợp với sợi thủy tinh xước) để làm nên cây Lamy 2000 đó thì sau mấy tháng sử dụng thì mình thấy hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến cái màu trắng đó hết.

Giờ đến phần quan trọng nhất của cây bút là ngòi và bộ phận bơm mực, hệ thống bơm mực của Lamy 2000 là sử dụng Piston mà theo nhận xét của nhiều người thì hệ thống bơm mực của Lamy 2000 là hoàn hảo. Đây là lần đầu tiên em cầm cây bút mà hệ thống bơm mực hoàn toàn lạ lẫm đối với em, thật sự lúc chuẩn bị bơm mực cho em nó cứ ngần ngừ mãi hihi - giờ nghĩ lại thấy mình hơi dốt làm sao đó (em để nguyên không vặn ra trước, thế là bơm mực đâu có được, đã vậy còn tự kỷ suy nghĩ thế bơm vào rồi đến lúc vặn vào mực nó trào ra thì sao??? Hi hi hi. Đọc đoạn này chắc Bác TRUCDAO cười nghiêng ngả vì thấy sao mà có người dốt thế phải không ạ). Cây bút em mua là ngòi F14k, cảm nhận đầu tiên khi viết là trơn và mực ra đều nhưng ngòi viết hơi cứng, nhưng sau khi viết khoảng một trang giấy thì em cảm nhận thấy ngòi F của Lamy 2000 cho nét chữ hơi to (theo em nhìn trên 1 trang giấy), phần tiếp theo là ký thì tạm ổn tuy nét cuối của chữ ký em thường đưa tay nhanh nên thấy nét nhạt (có vẻ như mực ra không kịp với tốc độ kéo bút của em), em đã ký chậm lại và đè mạnh tay hơn thì thấy ổn, chắc là phải thêm một thời gian nữa thì mới quen tay được. Ngoài ra em vẫn thấy hơi bị cấn khi cầm viết ngay chỗ 2 cái mấu dùng để giữ chặt cái nắp bút khi đậy nắp (chắc là em cầm viết cũng chưa được chuẩn lắm).

Sau gần 3 tháng sống cùng em Lamy 2000 đến bây giờ thì phải bái phục người đã thiết kế ra cây bút Lamy 2000 và cũng hiểu thêm một điều vì sao cây bút Lamy 2000 được trưng bày vĩnh viễn tại bảo tàng New York của nghệ thuật hiện đại.

Trong thời gian say mê với cây Lamy 2000, hàng ngày em vẫn không quên ghé qua Handheld để tham khảo, học hỏi thêm trong những bài viết cảm nhận của anh em trên diễn đàn, nó giúp cho em mở rộng thêm về kiến thức “BÚT - MỰC - GIẤY”, Bấy lâu nay cũng chỉ biết đến Parker, Waterman, Montblanc (đúng là gà què ăn quẩn cối xay mà hu hu hu). Thì thật bất ngờ, vào một ngày đẹp trời bạn phamdominhtri đã có một bài viết chi tiết về bút Sailor, tự nhiên em lại thấy hào hứng với dòng bút của Nhật Bản này. Trước đó có đọc một số bài viết của anh Quốc Bảo về bút Sailor mới biết hãng Sailor nổi tiếng về ngòi bút và ra đời cách đây cả 100 năm (quả là một bề dày lịch sử). Mò mẫm mãi, rồi lòng ham muốn lại trỗi dậy, thấy anh em trên diễn đàn có nhiều cây Sailor ham qua, càng mày mò càng mê cái anh chàng “Thủy Thủ” của Nhật Bản này, tự hứa với lòng phải dành dụm mấy tháng để “cưới một em” cho thỏa ước mong. Ngắm nghía mãi, tham khảo từ đông sang tây rồi lại từ tây sang đông, thấy tạm ổn và phù hợp với mình là cây Sailor Large Black B21K của bạn phamdominhtri

Mình chỉ ngần ngại về cái ngòi B và kinh tế còn hạn hẹp nên chưa quyết “chốt hạ”. Em nói thật là không biết các bác có giống em không, riêng cái khoản mà mình thích cái gì rồi thì ra vào nó cứ ngẩn ngơ, bần thần làm sao ấy, nó bứt rứt, nó thèm thuồng, chỉ mong được cầm, được nắm lấy nó cho thoả. Và đây, em muốn nói về cái duyên bút mực của em, buổi trưa đang gà gật “lướt web xem còm” lò mò vào Handheld xem sao thì bắt gặp ngay một chàng thủy thủ mang tên “Kaba Zaiku”, vài ba cái hình giới thiệu mờ mờ ảo ảo, thấy là lạ, ham ham, “cái này em phải tự thú nhận là tính xấu, thấy lạ là ham” thế là bỏ ra một buổi chiều để tìm hiểu về dòng sản phẩm này. Theo giới thiệu thì đây là dòng Sailor “LIMITED EDITION”.

Nó được sản xuất thủ công bởi các nghệ nhân truyền thống của một làng nghề thuộc một tỉnh phía Đông Bắc Nhật Bản (chắc là giống như làng nghề gốm sứ bát tràng của mình – nghĩ hơi tự ái dân tộc – vì sao vì sao??? Việt Nam làm không được??? - Gần đây nghe nói Bác gốm sứ Minh Long có làm cây bút bằng sứ gì đó giá cả 100 triệu???? Hãi ???? - khổ nỗi bút là của hãng khác, chỉ có cái vỏ thôi - buồn!!! – Mà không biết vỏ có ra hồn không nữa??? - Nếu bác nào có em nó trong tay thì vui lòng viết vài dòng về em nó nha.) Mới nhìn cây bút qua trang web thôi là em đã mê mẩn rồi, đọc các thông tin về nó xong, tần ngần, bồn chồn, hết đi ra rồi lại đi vào và cuối cùng quyết định xin một cái hẹn với chủ nhân cây bút “Thủy Thủ - KabaZaiku” để xem em nó ngoài đời thật thế nào. Hồi hộp, hồi hộp thời gian đã điểm, tay bắt mặt mừng, hớp ngụm cà phê đen xong, tay run run mở cái nắp hộp màu nâu có cái logo Sailor..

Thật khó diễn tả cảm xúc khi bạn mở một sản phẩm “Limited” (dù đã biết trước qua hình ảnh). Một lọ mực chiếm cả một góc hộp, với cái nắp to màu đen bóng huyền bí, chỉ cần nhìn thấy vậy là đã ngất ngây rồi. Chàng “Thủy thủ” - nhân vật chính nằm vắt chéo trong hộp, với những điểm nhấn bên ngoài được mạ vàng 24k, toàn thân là màu vàng nâu sậm và lốm đốm có những vệt sọc vàng trắng chen lẫn nâu đen, dưới ánh đèn vàng nhìn rất sang trọng và mạnh mẽ.

01 conveter và 02 ống mực đi kèm như thể hiện của một đẳng cấp “Gift set”. Sau khi bất ngờ và chiêm ngưỡng bằng mắt thì em thật sự là bất ngờ khi cầm cây bút Sailor Kaba Zaiku, Bạn sẽ thấy cây bút nặng và to, cảm giác đoạn ngay giữa cây bút hình như hơi bị cong (nhưng kỳ thực không phải vậy), thân của chàng “Thủy thủ” không bằng phẳng, đều và trơn nhẵn như nhưng cây bút có vỏ bằng nhựa hoặc hợp kim khác. Nếu bạn không đọc kỹ các thông tin về nó trước khi đi mua thì chắc chắn bạn sẽ không mua cây bút này vì nghĩ là nó cũ, đã bị lỗi, bạn sẽ bắt gặp những vết rạn nứt, gồ ghề, có những chỗ lõm vào lỗ chỗ sần sùi.

(Em đã phải ngần ngừ trong chốc lát, dùng tay vuốt nhẹ khắp thân cây bút, xoay đi xoay lại dưới ánh đèn để xem có phải là cây bút bị lỗi hay là nó được sản xuất như vậy??? hi hi hi nghĩ lại hơi xấu hổ và buồn cười). Sau khi vượt qua được cảm giác ban đầu đó thì bạn sẽ phải ngạc nhiên chàng “thủy thủ” Kaba Zaiku này. Thân bút được bọc bằng một lớp vỏ cây anh đào, sống ở trên núi của Nhật Bản, qua bàn tay thủ công của các nghệ nhân được truyền nghề lâu đời ở một làng phía Đông Bắc của Nhật Bản. Cây bút được sản xuất với kỹ thuật và vật liệu được lựa chọn khắt khe và kiểm soát nghiêm ngặt, cây bút được khắc chìm thương hiệu “Denshiro - SailorJapan” mạ bằng vàng 24k – một dấu hiệu của sản phẩm “chất lượng cao”.

Hồi hộp lắm các bác ạ, nếu Bác nào đã từng xem qua bộ phim “Inglourious Basterds”. Trong những cảnh đầu tiên của bộ phim, có cảnh viên đại tá Hans Landa mở cặp da, lấy ra một xấp giấy, một hộp mực rồi xếp thật ngay ngắn trên bàn, sau đó rút từ trong túi áo cây bút, xoay xoay mở cái nắp bút, rồi mở cái thân bút ra và thực hiện động tác bơm mực v..v..v, nói chung là em không diễn tả hết được cái cảnh này, nhưng khi xem xong đoạn này bảo đảm với các Bác là sớm muộn gì cũng sẽ sắm cho mình 01 cây bút mực ngay thôi.

Mỗi dòng sản phẩm đều có những nét đặc trưng riêng và đều có cái hay của nó, chẳng hạn với Lamy 2000 mở nắp bút bằng cách rút thẳng ra và khi đóng vào thì cảm nhận được sự khựng lại của cái khoen giữ nắp, nó tiện lợi và nhanh gọn, hợp với cuộc sống hối hả hiện nay, nhưng với riêng em thì buổi tối hôm nay thật đặc biệt, cái cảm giác mở nắp bút, xoay từng vòng từng vòng sao mà thích thú hồi hộp đến thế “Cái này nghiền lắm các Bác, em cứ ngồi mở ra mở vào cả 20 lần, còn Lamy 2000 đang lo đóng ra đóng vào nhiều nó bị mòn thì sao, lúc đó cái nắp nó rung rung thì lại tiếc của hi hi hi – đúng là lo xa mà”. Phải công nhận một điều là sự khác biệt khá lớn giữa ngòi của Lamy 2000 và ngòi của Sailor Kaba Zaiku M14k, Tuy mới viết 2 trang giấy nhưng cảm giác dễ nhận nhất đó là sự mềm mại của ngòi, em thử viết hơi nghiêng nghiêng, kết quả mực vẫn ra đều và nét vẫn mềm mại. Tuy là ngòi M nhưng nét chữ theo em là nhỏ và với sự linh hoạt trong cách viết thì em có thể viết được nét thanh nét đậm theo ý muốn, em ký thử thì thấy nét đều và nếu đè hơi mạnh tay thì mực ra đậm và nét cũng to ra hơn (điều này với ngòi Lamy 2000 em làm không được). Ngay trong lúc đang ngồi gõ vi tính bài viết này, em vẫn lâu lâu dừng lại và viết vài dòng để cảm nhận thêm về ngòi của Sailor Kaba Zaiku M14k. Với thời gian ngắn, sử dụng cũng chưa nhiều, chỉ là vài dòng cảm nhận khách quan từ bản thân, chắc chắn sẽ còn rất thiếu sót, ngay tại thời điểm này em cũng đang phân vân để đánh giá về Lamy 2000 và Sailor Kaba ZaiKu. Nếu khách quan về bên ngoài thì Sailor Kaba ZaiKu nhìn sang trọng và có vẻ như “Đẳng cấp” hơn Lamy 2000, nhưng với cái “Lạnh – Đen mờ - Trơn láng” của Lamy 2000 thì phải nói thật là khó cưỡng lại. Riêng cá nhân em thì em vẫn thích cầm, vuốt xoay cây Lamy 2000, nó cho em một cảm giác êm ái, một cái gì đó chắc chắn và bền vững. Với hai cây bút Lamy 2000 và Sailor Kaba Zaiku, Sự lựa chọn cho cả cổ điển và hiện đại: Sailor Kaba Zaiku thể hiện rõ nét phương châm - Chắc chắn sẽ không có một ai cầm cây bút Sailor Kaba Zaiku giống như Bạn đang cầm bút Sailor Kaba Zaiku trên tay. Với nguyên liệu tự nhiên, sự riêng biệt - thủ công và cái hồn của mỗi nghệ nhân được thổi riêng vào mỗi cây bút Sailor Kaba Zaiku.

Còn Lamy 2000? Với kiểu dáng đơn giản đến nỗi không thể đơn giản hơn, không “viền vàng mạ bạc” gì hết, nhưng khi cầm cây bút trên tay Bạn vẫn thấy sự sang trọng, riêng biệt không thể lẫn vào đâu được dù cây bút đã được thiết kế cách đây 40 năm.

Cuối cùng, mình xin cảm ơn anh em HHVN đã đọc bài cảm nhận cũng như vài dòng tâm sự về 2 cây bút đã, đang và mãi mãi đi bên cạnh mình. Chúc tất cả mọi người sẽ tìm được cây bút thích hợp nhất cho mình nhé!

Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page